Những năm đầu thập niên 70 thế kỷ trước, phạm nhân Lục Yên Thức nhiều năm bặt vô âm tín với người thân, trong một lần chuyển đổi nông trường đã bỏ trốn về nhà. Điều này mang đến cho con gái Đan Đan áp lực vô cùng lớn. Cô ngăn không cho mẹ là Phùng Uyển Du gặp cha mình. Sau khi cách mạng văn hóa kết thúc, Lục Yên Thức được về nhà, nhưng ông phát hiện con gái sớm đã từ bỏ giấc mơ bale và trở thành một nữ công nhân, người vợ vì mắc bệnh không còn nhận ra ông. Tình cảm sâu đậm, biến cố cuộc đời khiến Lục Yên Thức đưa ra một lựa chọn hoang đường nhưng hợp lý nhất đối với ông lúc này

Ba năm sau, Cách mạng Văn hóa kết thúc. Lục Yên Thức được phục hồi danh dự và trở về nhà. Con gái ông từ bỏ niềm đam mê ca múa và trở thành công nhân trong xưởng may. Vợ ông bị mất một phần trí nhớ, không còn nhận ra chồng. Suốt quãng đời còn lại của mình, Yên Thức cố gắng trong tuyệt vọng để lấy lại ký ức của người vợ về mình.
Kịch bản của Quy lai có sự thay đổi đáng kể so với cuốn tiểu thuyết. Thay vì tường thuật lại cuộc đời của Yên Thức trong 70 năm nhiều biến cố, bộ phim chỉ tập trung vào những trang cuối khi nhân vật đã về già. Những bão táp kinh hoàng của Cách mạng Văn hóa được cô đặc lại trong bi kịch nhỏ của một gia đình trí thức cơ bản. Không đao to búa lớn, không đại cảnh hoành tráng, không quá nhiều tuyến nhân vật, phim kể một câu chuyện tối giản với vỏn vẹn ba người. Bối cảnh chính của phim chỉ là một căn phòng nhỏ với một cây dương cầm cũ kỹ.
Những khán giả trẻ, đặc biệt là khán giả phương Tây có thể thấy câu chuyện mà Quy lai kể sáo mòn và ủy mị. Tuy nhiên, đối với người Á Đông, đặc biệt những người đã trải qua Cách mạng Văn hóa, đây là bộ phim xúc động đến tận tâm can.
Xét ở một khía cạnh nào đó, chứng mất trí nhớ của Uyển Dụ có thể coi là một biểu tượng của mong muốn chối bỏ đến tận cùng quá khứ đau thương. Điều này đặc biệt có ý nghĩa hơn nếu xem xét lại lịch sử thế kỷ 20. Nhưng quá khứ dù có bị lãng quên, nỗi đau vẫn ở lại. Kết thúc của Quy lai là một hạnh phúc thỏa hiệp trong một thế giới không toàn vẹn. Dẫu hậu quả của cuộc Cách mạng Văn hóa là không thể xóa nhòa, song con người vẫn không được đầu hàng nghịch cảnh, mà phải tìm cách sống chung với nó, vươn lên mà sống, sống bằng mọi giá… Quy lai có lẽ cũng là một gợi ý của Trương Nghệ Mưu: chỉ khi biết chấp nhận, tha thứ cho nhau và tha thứ cho chính mình, người ta mới có thể yên lòng tiến lên phía trước.

Nhưng trên hết, nổi bật nhất, Quy lai vẫn là một câu chuyện về tình yêu. Vượt qua mọi giông tố của cuộc đời, mọi khoảng cách không gian, thời gian, mọi căn bệnh và sự hữu hạn của trí nhớ, tình vợ chồng vẫn son sắt thủy chung. Giống như A.N.Tolstoy từng viết: “Năm tháng sẽ trôi qua, những cuộc chiến tranh sẽ im ắng dần, những cuộc cách mạng sẽ thôi gào thét, và chỉ còn lại không phôi pha tấm lòng em nhẫn nại, dịu dàng và chan chứa tình yêu thương”. Yên Thức và Uyển Dụ vẫn sẽ mãi chờ đợi nhau dù không biết phải chờ đến bao giờ.
Quy lai là một bộ phim cảm động, dễ làm khán giả rơi lệ, phần lớn nhờ diễn xuất thuyết phục của ba diễn viên chính. Trần Đạo Minh, trước đó từng hợp tác với Trương Nghệ Mưu trong phim Anh hùng, lần này thủ vai một người chồng cao thượng và tận tụy. Củng Lợi, “nàng thơ”, người tình lâu năm của đạo diễn họ Trương thể hiện biểu cảm khuôn mặt tuyệt vời. Chị cũng là một phần nguyên nhân khiến bộ phim lạm dụng cảnh cận. Trần Tuệ Văn, phát hiện mới của Trương Nghệ Mưu, cũng chứng tỏ được khả năng diễn xuất tinh tế và triển vọng.
Sau một thời gian làm phim thương mại, trở về với dòng phim nghệ thuật, Trương Nghệ Mưu đã có đôi chút thỏa hiệp. Không còn sự thô mộc, chân chất như ở những tác phẩm thời kỳ đầu, nhân vật và cảnh trí trong Quy lai đều bóng bẩy chỉn chu đến mức đỏm dáng, ít thuyết phục. Điều này có thể khiến một số nhà phê bình khó tính không hài lòng, nhưng lại chinh phục số đông khán giả. Đến nay, Quy lai đã thu về khoảng 300 triệu NDT (khoảng 48 triệu USD) - một kỷ lục với phim nghệ thuật nội địa.
-------------------------------
Khi Củng Lợi bước vào căn phòng tại Khách sạn Peninsula Hong Kong, không đáng ngạc nhiên khi cô như trở thành chủ nhân của căn phòng. Xuất hiện tại buổi phỏng vấn trong bộ âu phục một màu, Củng Lợi vẫn giữ được vẻ nóng bỏng khiến mọi người trong phòng phải ngất ngây với sắc đẹp của cô.
Coming Home và phong thái Trương Nghệ Mưu Đã 25 năm trôi qua, và ngành điện ảnh đã biến cô nữ sinh ngây thơ năm nào thành hình tượng một nữ minh tinh sắc sảo, giấc mơ của nhiều người. Giấc mơ đó bắt đầu từ năm 1987, khi Củng Lợi còn đang là sinh viên Học viện Hí kịch Trung ương ở Bắc Kinh, và được Trương Nghệ Mưu, một cựu sinh viên học viên này, chọn đóng vai chính trong phim đầu tiên của ông trong vai trò đạo diễn, Cao lương đỏ.
Sắc đẹp tự nhiên và diễn xuất của cô nhanh chóng chiếm lấy trái tim khán giả cả trong và ngoài nước.
Bộ phim được đánh giá cao, đoạt giải Gấu vàng tại Liên hoan phim Berlin, dù chỉ mang về cho Củng Lợi thù lao khoảng 200 nhân dân tệ.
Giờ nhắc lại điều này, cô cười, giải thích, “Hồi đó cả Trương Nghệ Mưu và tôi đều trẻ, chúng tôi chỉ biết và muốn làm phim.”
Bộ phim cũng mở đầu cho một sự hợp tác lâu năm giữa Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi. Họ trở thành một đôi trời sinh trong cả công việc và cuộc sống riêng tư.
Sự hợp tác ăn ý giữa hai người tỏ rõ trong Cúc Đậu (1990), Đèn lồng đỏ treo cao (1991) và Thu Cúc đi kiện (1992). Các phim này đều đưa Củng Lợi vào vai nữ chính mạnh mẽ, nổi loạn.

Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu Những tác phẩm được đánh giá cao như thế đều đóng góp cho sự nổi tiếng của thế hệ các nhà làm phim thứ năm của Trung Quốc, những người làm phim sau cuộc Cách mạng Văn hóa. Những phim này cũng biến Củng Lợi thành một trong những khuôn mặt dễ nhận ra nhất trong giới điện ảnh Trung Quốc.
Nhưng mối quan hệ tình cảm của Trương Nghệ Mưu và Củng Lợi cuối cùng vẫn kết thúc không có hậu không khác gì những sự đổ vỡ trong phim họ đóng cùng nhau. Họ kết thúc mối quan hệ hợp tác sau phim Hội Tam hoàng Thượng Hải (1995). Thời điểm này mở ra một loạt những cơ hội mới cho Củng Lợi. Những nhà làm phim nổi tiếng như Trần Khải Ca, Vương Gia Vệ đưa cô vào những vai diễn đa dạng, từ Bá vương biệt Cơ từng đoạt giải Cành cọ vàng tới Breaking the Silence (1999).
“Mục tiêu của tôi là sống những cuộc đời khác nhau của nhân vật của tôi, những khoảnh khắc thăng trầm. Giấc mơ của tôi là để lại những nhân vật đáng nhớ cho khán giả.”
Những tác phẩm của Củng Lợi đã đưa cô trở thành ban giám khảo của các liên hoan phim quốc tế nổi tiếng như Berlin, Venice, Tokyo và lời mời từ các nhà làm phim Hollywood.

Memoirs of a Geisha Lời mời đến nhiều như nước nhưng cô vẫn chậm rãi lựa chọn.
“Tôi chọn lựa vai diễn rất cẩn thận,” cô nói. “Khi tôi đóng một vai nào đó, tôi muốn đánh thức tiềm năng trong bản thân và đóng góp tất cả có thể. Tôi muốn cảm giác như không muốn kết thúc quá trình diễn xuất này. Nếu đóng một vai chỉ bình thường tạm chấp nhận thì tôi sẽ chỉ muốn quá trình quay phim kết thúc.”
Cô thêm rằng cô ít khi nhận vai cô không thể yêu thích. Cô từng từ chối một vai Bond girl trong một phim James Bond.
“Dù là vai phụ thì cô ấy cũng cần có cá tính riêng,” Củng Lợi nói. “Tôi không muốn đóng vai một cô gái đẹp cần người ta đến cứu.”
Cô bắt đầu bước vào đội ngũ các diễn viên Hollywood với các phim như Memoirs of a Geisha (2005) và Miami Vice (2006).

Củng Lợi cùng Colin Farrell trong phim Hollywood Miami Vice Rob Marshall, đạo diễn lựa chọn cô cho vai Hatsumomo, một geisha tài năng nhưng đầy bi kịch trong Memoirs of a Geisha, đã từng có liên lạc với Củng Lợi nhiều năm trước khi bộ phim được lên kế hoạch và Michael Mann, đạo diễn Miami Vice, từng hy vọng đưa Củng Lợi vào phim ly kỳ năm 1995 Heat.
“Nếu tôi không tin tưởng đạo diễn, tôi sẽ không ký,” Củng Lợi nói. “Tôi rất tin Rob. Anh ấy là một nhà làm phim tài năng và anh ấy hiểu diễn xuất của tôi. Chúng tôi rất tôn trọng nhau.”
Trong khi nhiều diễn viên Trung Quốc chật vật chỉ được xuất hiện trong tích tắc trong phim Hollywood, Củng Lợi lại có cách nhìn khác.
“Tôi không muốn đóng phim Hollywood cho có.”
Trong cùng năm Miami Vice ra mắt, Củng Lợi tái hợp với Trương Nghệ Mưu trong Hoàng Kim Giáp, một bộ phim cổ trang Trung Quốc.

Hoàng Kim Giáp Khác với những phim trước kia của họ, phim này, có sự tham gia của Châu Nhuận Phát và Châu Kiệt Luân, có ngân sách khổng lồ lên tới hàng trăm triệu nhân dân tệ. Diễn xuất đáng khâm phục của Củng Lợi đưa về cho cô giải Kim tượng cho Nữ diễn viên xuất sắc trong Giải thưởng Điện ảnh Hồng Kông.
Bảy năm sau, giờ đây Củng Lợi lại tái hợp với Trương Nghệ Mưu, lần này không phải trong một phim bom tấn, mà vào vai một nhân vật phức tạp chỉ phù hợp với một nữ diễn viên gạo cội.
Trong phim mới này, Củng Lợi vào vai một người vợ bị lạc chồng trong cuộc Cách mạng Văn hóa, và mất trí nhớ trước khi họ được gặp lại nhau. Mang tên The Return (còn có tựa là Coming Home), bộ phim khiến nhiều người chú ý vì đây có vẻ là sự trở lại với phong cách các phim cũ của Trương Nghệ Mưu, kể những câu chuyện về những cuộc sống bình dân.
Thách thức đó, theo Củng Lợi, chính là lý do cô nhận vai diễn này.

Bá vương biệt cơ “Đây là một nhân vật khán giả có thể yêu hoặc ghét, không thể không có ý kiến được,” cô nói. “Nhân vật bị mất trí nhưng cô không điên. Diễn xuất phải tinh tế và tế nhị. Với tôi, đây là công việc thách thức và đầy mãn nguyện.”
Sự thông minh diệu kỳ và khả năng làm việc chăm chỉ của Củng Lợi đã biến cô thành sản phẩm xuất khẩu nổi tiếng nhất của ngành điện ảnh Trung Quốc. Cô đã đoạt hầu hết các giải cao quý của các liên hoan phim quốc tế. Cô chờ đợi gì ở The Return?
“Thay vì đoạt giải, điều quan trọng hơn là bộ phim được đánh giá và nhìn nhận ở tầm quốc tế,” cô nói. “Phim làm ra không chỉ là để kiếm tiền. Đây là một nghệ thuật không giới hạn.”
Trở lại phim trường với Trương Nghệ Mưu, Củng Lợi cho biết ngọn lửa giữa họ vẫn chưa tắt.
“Tình cảm giữa chúng tôi năm nào vẫn còn đó,” cô nói.

Cao lương đỏ “Điều khác biệt là giờ tôi chủ động trong diễn xuất hơn nhiều, tôi biết cách nhìn toàn cảnh để kể chuyện hiệu quả hơn. Trương Nghệ Mưu là một nhà làm phim tận tụy.”
Nhiều người cho rằng quan hệ giữa hai người không đơn thuần là tình bạn hay tình yêu. “Họ là một gia đình.”
Nhưng vẫn có nhiều lời đồn đại lưu hành. Giờ lại được giới báo chí săn ảnh theo đuổi, cuộc sống riêng tư của Củng Lợi trở thành một vấn đề nóng bỏng. Cuộc ly hôn của cô với chồng là ông Ooi Hoe Seong cách đây ba năm khiến nhiều người không khỏi tranh luận.
Củng Lợi chỉ nhún vai và tỏ ra không quan tâm.
“Tin đồn từ lâu đã là một phần cuộc sống của tôi. Chúng không thể khiến tôi tổn thương. Tôi không cần giấu gì cả. Tôi sẽ không thay đổi để người ta thích tôi. Tôi là diễn viên. Đây là nghề và niềm tự hào của tôi.”

Củng Lợi 1985: Trúng tuyển vào học Học viên Hí kịch Trung ương Bắc Kinh
1987: Xuất hiện trong phim đầu tiên, Cao lương đỏ, phim đoạt giải Gấu vàng của Trương Nghệ Mưu
1990: Cô vào vai một cô gái trẻ bị bán làm vợ một người đàn ông lớn tuổi trong phim Cúc Đậu đầy tranh cãi. Phim ban đầu bị cấm chiếu ở Trung Quốc, và trở thành phim Đại Lục đầu tiên được đề cử giải Oscar
1992: Đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc tại Liên hoan phim Venice cho vai diễn trong phim Thu Cúc đi kiện
1996: Kết hôn với tài phiệt người Singapore Ooi Hoe Seong
2000: Trở thành Chủ tịch ban giám khảo Liên hoan phim quốc tế Berlin
2005: Xuất hiện trong phim Hollywood đột phá với Memoirs of a Geisha
2006: Tái hợp tác với Trương Nghệ Mưu trong Hoàng Kim Giáp
2013: Hiện nay cô đang đóng The Return của Trương Nghệ Mưu với Trần Đạo Minh và Lưu Bội Kỳ
Dịch: © Xuân Hiền @Quaivatdienanh
----------------------------------
"Coming Home" của Trương Nghệ Mưu - không chỉ có những niềm đau
Trở về (Coming home) - bộ phim mới nhất của đạo diễn Trương Nghệ Mưu là tác phẩm đánh dấu sự trở lại của đạo diễn này cùng diễn viên Củng Lợi - cố nhân đặc biệt trong cuộc đời của ông.
Coming Home - câu chuyện của hậu cách mạng văn hóa
"Trở về - Coming Home" là bộ phim mới nhất của đạo diễn Trương Nghệ Mưu được dựa trên tiểu thuyết Lục Phạm Yên Thức của nhà văn Nghiêm Ca Linh. Đây là một tác phẩm văn học nổi tiếng kể về 70 năm cuộc đời bôn ba của nhà tri thức Lục Yên Thức trong sự xoay vần của xã hội, đặc biệt là trong giai đoạn cách mạng văn hóa. Nhưng khi chuyển thể thành phim điện ảnh, nội dung đã có những thay đổi đáng kể dưới bàn tay của đạo diễn nổi tiếng nhất Trung Quốc. "Trở về" chủ yếu tập trung kể về những năm cuối trong cuộc đời của nhân vật Lục Yên Thức bên vợ con, và những “dư chấn” đớn đau mà thời thế để lại.
Bộ phim mở đầu trước khi cách mạng văn hóa kết thúc không lâu. Lục Yên Thức - một giáo sư, thành phần tiểu tư sản thời bấy giờ bỏ trốn khỏi nhà tù sau gần 20 năm bị đày đi xa. Khát khao duy nhất của ông là được gặp lại người vợ Phùng Uyển Du, bao nhiêu năm vẫn một mình ở vậy, tần tảo nuôi dạy cô con gái Đan Đan lớn khôn, ngóng chồng trở về.
Cô con gái Đan Đan miệt mài theo học bale, dù từng bị can ngăn bởi: “Múa thì làm sao có thể cống hiến cho xã hội, xây dựng đất nước”. Cô gái trẻ hơn 20 tuổi đầu khát khao được tỏa sáng trên sân khấu trong vai nữ chính của một vở múa đậm chất cách mạng. Nhưng là con của một thành phần phản động, lại đang bỏ trốn, cô bị loại ra khỏi vai chính dù đã chạm tay rất gần tới thành công. Với hy vọng có thể lấy lại được vai diễn, Đan Đan đã tố cáo nơi trú ẩn của Lục Yên Thức với chính quyền, để rồi mẹ cô và bố cô, một lần nữa phải chia xa ngay cả khi chưa có cơ hội được gặp lại.
3 năm sau, cách mạng văn hóa kết thúc. Lục Yên Thức được phục hồi nhân phẩm. Ông trở về nhà ở tuổi ngũ tuần, đầu 2 thứ tóc, nhưng vẫn thấy hạnh phúc biết bao nhiêu khi được tự do ngắm nhìn bầu trời xanh thẳm và hình ảnh một gia đình vẹn toàn bên vợ con đang ở thật gần.
Có điều, hình ảnh hạnh phúc đó nhanh chóng tan vỡ, khi người vợ Phùng Uyển Du mắc bệnh mất trí nhớ. Vào những năm 60, 70, đây là căn bệnh không có thuốc chữa và không có những phác đồ trị liệu rõ ràng. Uyển Du quên tất cả mọi thứ xung quanh, quên cả hình ảnh người chồng đầu gối tay ấp và không nhận ra Yên Thức khi ông trở về. Đáng buồn hơn, một trong những điều hiếm hoi mà Uyển Du vẫn nhớ, lại là lỗi lầm của cô con gái Đan Đan 3 năm về trước. Vậy là, ngay cả khi cách mạng văn hóa kết thúc, gia đình nhỏ bé ấy vẫn không thể đoàn tụ. Uyển Du sống một mình trong căn nhà tập thể cũ, Yên Thức sống dưới căn phòng trọ ở đối diện bên đường và cô con gái Đan Đan, nay đã bỏ niềm đam mê múa, trở thành công nhân xưởng dệt và ở lại trong kí túc xá bởi mẹ không cho phép cô trở về nhà.
Yên Thức làm mọi thứ để Uyển Du có thể nhớ lại, nhưng dường như tất cả đều vô ích. Xa cách quá lâu cùng những chấn động về tâm lý khiến căn bệnh mất trí của Uyển Du càng ngày càng nghiêm trọng. Vậy là sau cùng, Yên Thức chọn cách đến bên người vợ của mình như một người bạn, hay đúng hơn là “đồng chí đọc thư” – theo cách mà vợ ông gọi. Ngày ngày, ông trở về căn nhà cũ của mình, ngồi đọc cho vợ nghe những bức thư mà ông đã viết trong nhiều năm qua, với tư cách là một người bạn. Dần dần, Uyển Du chấp nhận sự tồn tại của Yên Thức trong cuộc sống, nhưng đơn giản chỉ là một người bạn chia sẻ về những ký ức đầy yêu thương và nhiều nỗi buồn qua những bức thư đã nhuốm màu thời gian.
Trong số đó, có một bức thư mà Yên Thức viết: “mùng 5 tháng này sẽ về”. Và cứ thế, bất kể nắng hanh hay sương gió, mưa phùn hay bão tuyết, mùng 5 hàng tháng, Uyển Du đều đến sân ga đợi chồng, và bởi căn bệnh mất trí, lần nào cũng tựa như lần đầu tiên, như lần duy nhất. Nhiều năm sau vẫn vậy, khi đã bạc trắng mái đầu, nếp thời gian hằn trên khuôn mặt, Uyển Du vẫn đợi chờ và đón Yên Thức vào ngày đã hẹn trong thư, mà không thể nào biết rằng, Yên Thức, trong hình ảnh là người bạn, là “đồng chí đọc thư”, đã đứng bên bà từ rất lâu rồi…
Coming Home… không chỉ có những niềm đau
"Coming Home" là bộ phim nói về “hậu cách mạng văn hóa”. Những con người ấy, như giáo sư Lục Yên Thức, như cô giáo Phùng Uyển Du, dù có một cuộc đời đau khổ và bất hạnh bởi thời thế, nhưng vẫn cố gắng sống một cách giản dị và tốt đẹp. Phim không nói đến sự oán hận, dằn vặt mà mỗi một nạn nhân của cuộc cách mạng đớn đau này chất chứa trong lòng, nhưng vẫn đủ sức truyền cảm đến thấu tâm can, để mỗi một người xem đều cảm thấy những hệ lụy không thể nào bù đắp
Lục Yên Thức và Phùng Uyển Du, họ nên nghĩa vợ chồng chưa đầy 4 năm, đã bị xa cách nghìn trùng. Nỗi đau này, lấy điều gì để khỏa lấp?
Nhiều năm sau trở về, gần bên nhau mà một người vẫn phải ngóng trông đến cuối cuộc đời, và một người phải âm thầm quên đi thân phận thực sự của mình. Nỗi đau này, biết tỏ cùng ai?
Đan Đan đã tố cáo cha với chính quyền, nhưng thực lòng, ai nỡ trách cô gái này? 3 tuổi, Đan Đan đã không có cha bên cạnh. Tất cả những gì cô có thể biết và nhớ, là cuộc sống gia đình khó khăn, vất vả, nhiều tủi hờn, là ước mơ thời thanh xuân bị dập tắt bởi cha cô là một tù nhân chính trị. Nếu có phút giây nào đó, Đan Đan căm ghét cha, thì cô cũng có những lý lẽ của riêng mình. Nếu có những lần, Đan Đan đã cắt hết hình của cha trong những bức ảnh mẹ cô nâng niu gìn giữ, để sau này, khi Uyển Du mất trí nhớ, không có bất cứ một chứng tích nào gợi lại cho bà hình ảnh của người chồng, thì cô vẫn đáng có được sự cảm thông. Nỗi đau của Đan Đan – một đứa trẻ không cha, bị mọi người kì thị, ai có thể sẻ chia?

Tất cả những niềm đau đó, dành để khán giả cảm nhận. Cảm nhận về bi kịch của con người trong thời thế xoay vần, thấy được sự khoan dung, điềm tĩnh đối mặt với số phận, và trên tất cả, là tình yêu và niềm tin sắt son của Uyển Du và Yên Thức. Họ chờ đợi nhau trong cuộc cách mạng văn hóa, vẫn chờ đợi nhau ngay cả khi đã ở bên nhau, và sẽ còn chờ đợi nhau đến tận cuối cuộc đời…
Coming Home: tiếp nối mối “duyên lành” của Củng Lợi và Trương Nghệ Mưu
"Trở về - Coming Home" là tác phẩm mới nhất của Trương Nghệ Mưu, nhưng đặc biệt hơn cả, nó đánh dấu sự tái hợp của vị đạo diễn danh tiếng này với Củng Lợi – một cố nhân đặc biệt trong cuộc đời của ông. Hơn 20 năm về trước, điện ảnh kết mối duyên nghệ thuật và tình yêu cho Củng Lợi – Trương Nghệ Mưu. Dòng chảy thời gian đưa cả hai đến đỉnh cao của sự nghiệp, để rồi chia xa trong sự nuối tiếc của khán giả.
Hơn 20 năm sau, vượt qua những đổ vỡ, cả hai đã trở về với chính mình. Trương Nghệ Mưu – một đạo diễn tài năng, và Củng Lợi – một diễn viên thực lực. Họ trở về bên nhau và viết tiếp mối duyên trên màn bạc – sự kết nối chưa bao giờ vị cắt đứt sau những rạn vỡ tình cảm.

Với Trương Nghệ Mưu, Củng Lợi từng là cô thiếu nữ căng tràn sức sống trong "Cao lương đỏ", là thiếu phu nhân trong bi kịch tình yêu của "Đèn lồng đỏ treo cao", là bà hoàng quyền quý trong "Hoàng Kim Giáp", và giờ đây, là Phùng Uyển Du đầu hai thứ tóc, nước da đồi mồi, gương mặt hằn nếp thời gian và mắc căn bệnh mất trí nhớ.
Nếu so về hình ảnh, Phùng Uyển Du chẳng thể nào rực rỡ như những vai diễn trước đó của Củng Lợi trong các tác phẩm của Trương Nghệ Mưu, nhưng chưa bao giờ, bảo bối của điện ảnh Trung Hoa lại tỏa sáng đến thế. Trong những thước phim chủ yếu với tông màu tối, như phản ánh nỗi đau của kiếp người, nhân vật Phùng Uyển Du chân thực qua từng ánh mắt, nụ cười, cho đến cả sự lẫm chẫm của người mất trí nhớ. Một người phụ nữ ở tuổi ngũ tuần, khuôn mặt khắc khổ, quần áo tuềnh toàng… trở nên quyến rũ và có sức lay động đến thế, chỉ có thể là nhờ đến diễn xuất của Củng Lợi.

Trở về không nhiều kịch tính, cao trào, tựa như dòng chảy của con sông nhỏ với những khúc ngoặt vòng quanh, nhưng vẫn tràn đầy cuốn hút, là nhờ vào diễn xuất xuất sắc của 3 diễn viên chính. Bên cạnh một Củng Lợi mặn mà, Trần Đạo Minh trong vai Lục Yên Thức và Trương Hiểu Văn trong vai cô con gái Đan Đan, cũng là những yếu tố làm nên thành công của tác phẩm.
Sau nhiều tác phẩm được đánh giá là có hơi hướng thương mại, giờ đây, Trương Nghệ Mưu lại trở về với thế mạnh của mình – dòng phim nghệ thuật chính kịch. Vị đạo diễn này cho thấy, một tác phẩm hay, không cần những điều đao to búa lớn, những kỹ xảo hoành tráng. Ngôn ngữ của điện ảnh chân phương: một nội dung sâu lắng, những lời thoại xúc tích và những cảnh quay tinh tế, đủ để khiến một bộ phim mãi đi vào lòng khán giả.
Thiên Lam
Ảnh: Baidu