Sayfalar

Friday, April 1, 2016

Star Wars: Episode VII - The Force Awakens 2015



Xấp xỉ 30 năm sau sự phá hủy của Ngôi sao tử thần thứ 2, Luke Skywalker, Jedi cuối cùng còn sống sót, đã mất tích. Cả 2 tổ chức, "Tổ Chức Thứ Nhất", kế vị của Đế chế Galactic, và "quân Kháng Chiến", lực lượng chiến đấu được hậu thuẫn bởi nền cộng hòa, lãnh đạo bởi người em song sinh của Luke, Leia Organa, rảo khắp thiên hà trong nổ lực tìm thấy ông ta.



Ở một ngôi làng trên hành tinh Jakku, phi công của quân Kháng Chiến, Poe Dameron, gặp một vị lão niên để lấy phần bản đồ cho biết vị trí của Luke. Quân lính Stormtrooper dưới sự chỉ huy của tên tướng huyền bí Kylo Ren đổ bộ và phá hủy ngôi làng trước khi bắt sống Poe. Người máy của anh ta, BB-8, trốn thoát với phần bản đồ được dấu trong bộ nhớ và bắt gặp một cô gái nhặt ve chai tên là Rey.


Sau khi Ren sử dụng Thần lực để đọc suy nghĩ của Poe về BB-8, người lính Stormtrooper mang số hiệu FN-2187 phản bội Tổ chức Thứ Nhất, đào ngũ và giúp Poe trốn thoát. Chiếc chiến đấu cơ TIE mà họ cướp được rơi xuống Jakku, và người lính mang số hiệu FN-2187, lúc này đã được Dameron đặt tên là "Finn" dường như là người sống sót duy nhất. Anh ta gặp Rey và BB-8, và nói dối rằng mình là một thành viên của quân Kháng Chiến. Tổ chức Thứ Nhất tấn công Finn ở một khu láng trại và tiến hành không kích, buộc Rey, Finn và BB-8 phải cướp một chiếc tàu đậu gần đó, chiếc Millennium Falcon cướp được từ ông chủ, để chạy khỏi hành tinh.

Tàu Falcon đột ngột bị dừng và hút vào một con tàu khác, và họ nhanh chóng bị phát hiện bởi Han Solo và Chewie. Han giải thích rằng Luke đã cố gắng xây dựng lại một hội đồng Jedi sau trận chiến ở Endor, nhưng một đồ đệ của ông đã sa vào mặt tối của thần lực và trở thành Kylo Ren, phá hủy hết những gì mà Luke đã gầy dựng. Luke biến mất với tin đồn về việc ông đang đi tìm điện thờ đầu tiên của Jedi. Tại trạm Starkiller, một hành tinh được cải biến thành một vũ khí hủy diệt có khả năng phá hủy cả một hệ ngôi sao, Ren được lãnh đạo tối cao Snoke chỉ rằng hắn phải giết cha mình, Han Solo, nếu muốn vượt qua tiếng gọi của ánh sáng. Tàu Falcon hạ cánh xuống Takodana để gặp Maz Kanata, người có thể giúp BB-8 đến được căn cứ của quân Kháng Chiến, nhưng Finn quyết định rằng anh sẽ bỏ đi theo con đường riêng của mình. Rey tìm thấy một căn hầm chứa và bắt gặp thanh kiếm ánh sáng của Anakin Skywalker,. Cô nhanh chóng cảm nhận được những hình ảnh kì bí và man rợ, và từ chối nỗ lực trao thanh kiếm cho cô của Maz. Finn đành nhận lời cất giữ nó.

Tổ chức Thứ Nhất nhanh chóng tấn công Takodana để bắt lấy BB-8. Cùng lúc đó, trạm Starkiller phá hủy hệ ngôi sao Hosnian vốn được kiếm soát bởi phe cộng hòa. Han, Chewie và Finn chiến đấu với kẻ địch với sự giúp đỡ của một tiểu đội chiến đấu cơ X-wing của phe Kháng Chiến, dẫn đầu bởi Poe, người cũng sống sót sau vụ rơi chiến cơ tại Jakku. Tuy nhiên, Rey lại bị bắt sống bởi Ren và bị áp giải tới trạm Starkiller. Ren cố gắng dùng thần lực để đọc suy nghĩ của Rey, nhưng không thể. Sau đó, Rey trốn thoát bằng cách sử dụng khả năng thay đổi suy nghĩ của Jedi. Han đoàn tụ cùng Leia khi ông cùng Chewie và Finn đến căn cứ chính của quân Kháng Chiến tại D'Qar. BB-8 cũng bắt gặp người máy R2-D2, vốn đã được đặt trong chế độ tiết kiệm năng lượng sau khi Luke biến mất.

Trạm Starkiller bắt đầu nạp năng lượng để bắn D'Qar, và quân Kháng Chiến thảo luận một phương án để lẻn vào nó và hạ tấm khiên từ trường, tạo tiền đề để các chiến đấu cơ có thể công phá điểm yếu của vũ khí vũ diệt hàng loạt này. Cùng với tàu Falcon, Han, Chewbacca và Finn đột nhập vào trạm, hạ tấm khiên và đoàn tụ với Rey. Tuy nhiên, những chiến đấu cơ X-wing không thể đâm xuyên qua khẩu pháo, nên Han và Chewbacca quyết định dùng những quả mìn để tạo thành một lỗ hỏng trong lòng trạm chiến đấu. Ren xuất hiện để ngăn cản họ. Han đối mặt với Ren, gọi hắn bằng tên khai sinh là Ben, và thuyết phục hắn ta từ bỏ mặt tối của thần lực. Ren giết hại Han, xác của Han rơi xuống lò xử lí ở phía dưới. Các chiến đấu cơ X-wing phá hủy khẩu pháo, khởi động một chuỗi biến đổi làm trạm Starkiller bị hủy diệt hoàn toàn.

Ren đuổi theo Finn và Rey ở bề mặt của trạm Starkiller, nơi Finn cố gắng chống trả lại Ren bằng thanh kiếm ánh sáng của Anakin. Khi Finn bị thương, Rey dành lấy thanh kiếm và chiến đấu với Ren, áp đảo hắn ta với thần lực và làm hắn bị thương nặng. Sau đó, cô cùng Finn và Chewie rời khỏi hành tinh ngay trước khi nó phát nổ. Snoke ra lệnh cho Hux rời khỏi hành tinh và mang Ren tới chỗ của hắn. Tại D'Qar, quân Kháng Chiến ăn mừng chiến thắng trong khi Leia, Chewie và Rey khóc thương về cái chết của Han. R2-D2 đột ngột hoạt động trở lại và mở ra phần còn lại của tấm bản đồ. Với R2-D2 và Chewie song hành, Rey đi theo tấm bản đồ đến một hòn đảo trên một hành tinh ở rất xa, nơi cô tìm thấy Luke và trao cho ông thanh kiếm ánh sáng của cha mình.

Theo WiKi

-------------------

Review của ngdinhluat@hdvn

Mình muốn tìm một tựa/chủ đề nào đó để thêm vào tên bài review, nhưng nghĩ đi nghĩ lại thì Thần lực thức tỉnh là quá đủ để nói về phần 7 của loạt phim “Chiến tranh giữa các vì sao”

Năm 2015 ngập tràn trong các tựa phim prequel, sequel, reboot, với việc xào xáo, mượn ý tưởng cũ làm món ăn tạm cho khán giả, thì có hai tựa phim đặc biệt: Mad Max Fury Road và Star Wars: The Force Awaken. Làm lại một tựa phim rất dễ, với mức độ đảm bảo doanh thu tốt, nhưng để giữ nguyên những nét hấp dẫn của dòng phim, mà không bị ác cảm rập khuôn, nhai lại, thiếu ý tưởng, thì không nhiều bộ phim trong năm nay làm được.

Không nói thêm về mức độ phổ biến của SW trong văn hóa phương Tây, cũng không cần bổ sung thông tin vì hiện tại trên tất cả các trang mạng xã hội và trang tin điện ảnh đều ngập tràn thông tin về SW7 (rất nhiều Spoil), cũng không bàn nhiều về việc doanh thu bộ phim sẽ phá kỷ lục hay điểm số cao trên các trang bình luận phim, mình chỉ tóm tắt ngắn gọn: The Force Awaken đã tiếp nối được thành công của franchise.



Thứ nhất, SW7 đã giữ được đúng chất Starwars. Nhân vật ít, giới thiệu vừa đủ nhưng không quá dài khiến khán giả khó chịu. Hai phe rõ ràng, light side – dark side, rất dễ theo dõi (nói vậy nhưng cũng nên xem đủ 6 phần trước – để thấy nhiều tình tiết trong phim không quá phi logic). SW7 là sự pha trộn phong cách giữa ep I và ep IV, trong đó sẽ thấy hình bóng Anakin nhỏ tuổi, Han Solo và Luke trai trẻ, công chúa Leia cứng cỏi trong những nhân vật mới. Cốt truyện khá đơn giản, tuyến tính, không lắt léo – rất “phổ thông, đại chúng”. Thần lực thức tỉnh qua tay đạo diễn J.J. Abrams cùng ekip, vẫn làm người ta nhớ đến phong cách của Lucas trong việc thể hiện rất tốt sự to lớn, hùng vĩ, hoành tráng của các phi thuyền, hành tinh, vũ khí hủy diệt, toát lên cái chất rất riêng của chiến tranh giữa các vì sao (đặc biệt là ba phần original). Tất nhiên, phát huy ưu điểm thì không tránh khỏi lặp lại những nhược điểm, từ tạo hình, thoại, âm thanh, không khí trong phim đến diễn biến, cách xử lý vấn đề.

Thứ hai, phần 7 kết nối với 6 phần trước khá tốt. Không chỉ gợi nhớ, mà còn là phát triển tiếp cốt truyện. Tất nhiên mình sẽ không kể ra đây mà chỉ tổng kết: không nhàm chán, không gây sốc, không lắt léo, vừa đủ. Thế giới SW lại được xuất hiện với sự đa dạng của các chủng loài, mở rộng xa hơn, rõ hơn, một thế giới khoa học viễn tưởng, rất khác hiện thực, và hơn tất cả, ở đó thần lực một lần nữa trỗi dậy, cuốn theo cuộc chiến không hồi kết giữa Ánh sáng và Bóng tối (cái ẩn dụ của hai phe này cũng nhiều người nói rồi nên khỏi phân tích).



Tuy nhiên, SW7 không phải tác phẩm đột phá hay phá cách. Nhân vật chính là nữ nhưng ít thấy nét nữ quyền như Leia (và nữ quyền cũng là phong trào của năm 2015), cô giống một cô gái nhỏ bé nhưng cứng rắn, được xây dựng ổn, thu hút người xem trong một cốt truyện thiếu điểm nhấn và cao trào. Nhân vật phản diện chính hơi ẻo lả và bị dìm hàng dần (cũng là phong trào xây dựng phản diện của các bom tấn vài năm gần đây). Nhạc phim không có gì nổi bật, thiên về gợi nhớ 6 phần cũ hơn. Nét tất nhiên: bộ phim dễ đoán, cốt truyện đơn giản. Cả phim chỉ có 2 đoạn ăn tiền về tất cả các mặt: âm thanh, diễn biến, hình ảnh, cảm xúc, chừng đó là hơi ngắn và hơi ít so với trông đợi.



Sơ qua một số tiêu chí:
Âm thanh: y như các phần cũ, có phần kém kịch tính hơn. Giọng khò khè, tiếng robot beep beep, light saber rẹt rẹt, tiếng Chewbacca, phi thuyền rượt đuổi... vâng, tất nhiên rồi, bạn đang xem Starwars mà.

Hình ảnh: Hoành tráng, nhiều đại cảnh hay không gian vũ trụ rộng lớn. Các cảnh đua phi thuyền hay combat mãn nhãn. Khung cảnh trông thật và đẹp, được đầu tư kỹ lưỡng (cải thiện đáng kẻ nét thô kệch Original Trilogy và ảo ảo của Prequel Trilogy).

Diễn xuất: Han Solo rất nhiều đất diễn, fan ruột sẽ thích. Nữ chính - Rey ổn (như đã nói ở trên), gánh trọng trách thể hiện cả Anakin, Leia và Luke, và mình nghĩ em ấy đã làm tốt. Anh da đen (John Boyega) không đến nỗi quá phản cảm, dù nhân vật của anh khá một màu và là bản làm lại của Han Solo. Phản diện (Adam Driver) cũng đã nói ở trên, bị dìm. Còn lại các nhân vật khác thời gian xuất hiện quá ít, không đủ để lại ấn tượng. Nhân vật ảo, chú robot BB-8 là điểm thu hút đầu phim, với sự dễ thương và hài hước.



Phim diễn biến tương đối nhanh, không dài dòng. Các tình huống hài khá duyên, xen kẽ với các cảnh hành động của cả phim, khán giả khó có thể dời mắt.

Mình xem 2D nên miễn bình luận vụ 3D. Xem đêm rạp khá trống, xem rất thoải mái

SW7 không phải một bộ phim hoàn hảo, nhưng là một bộ phim đáng xem. Nếu bạn yêu thích franchise này, tất nhiên không có lý do gì mà không đặt những vé sớm nhất. Phần 7 hoàn toàn có thể đứng thứ 2 hoặc thứ 3 trong danh sách của riêng Starwars, tùy bạn thích nó tới mức nào. Vẫn nét gì đó cổ điển, đơn giản, chứ không xô bồ, lên gân, xôi thịt, lạm phát CGI như những bom tấn hiện tại. Với những ai chưa từng biết tới Starwars, phần 7 có thể là bộ phim mở đầu rất ổn, với tất cả đặc trưng của thương hiệu, chất lượng từ khá đến tốt trên tiêu chí xét như một bộ phim độc lập. Xét riêng mặt bằng chung bom tấn năm nay, cá nhân mình đánh giá Mad Max > SW7 = MI: Rogue Nation > Jurassic World = Avengers: AOU > Fast 7 (The Martian, Mockingjay part 2, Spectre mình chưa xem, Inside Out và Kingsman thì không xếp vào do không thấy cùng tiêu chí, F4, Terminator: Genisys, Jupiter Ascending, Tomorrowland miễn xếp hạng)

Tổng kết: 8/10, vừa đủ kỳ vọng trước khi xem.      

------------------------------------

Bom tấn cổ điển bạn không thể bỏ qua


Có thể nói rằng Star Wars: The Force Awaken là một trong những tựa phim bom tấn đình đám tuyệt vời nhất trong năm, phù hợp với cả các fan hâm mộ kì cựu lẫn những khán giả đại trà lần đầu biết tới series.

Trước khi Star Wars: The Force Awaken được ra mắt, rất nhiều nhà phê bình phim trên thế giới đã tỏ ra khá lo lắng trước sự trở lại đầy rủi ro này của một series bom tấn viễn tưởng huyền thoại một thời. Người ta lo lắng rằng lớp diễn viên mới như cô nàng Daisy Ridley hay nam diễn viên da màu John Boyega khó có thể thay thế được cái bóng quá lớn của thế hệ diễn viên đi trước. Người ta lo lắng rằng đạo diễn J.J. Abrams không thể mang đến cho người hâm mộ trải nghiệm tuyệt vời như người tiền nhiệm George Lucas... Nhưng đến giờ, khi mà Star Wars: The Force Awaken đã được khởi chiếu, tôi có thể chắc chắn rằng những lo ngại trên là hoàn toàn thừa thãi.

Nội dung của phim được đánh giá là khá đơn giản khi đi theo một mô tuýp cũ với mốc thời gian là gần 3 thập kỷ sau sự sụp đổ của Đế Chế Galactic, một thế lực mới mang tên The First Order đã nổi lên, đe dọa tới hòa hình của dải ngân hà và các nhân vật chính của chúng ta sẽ phải cùng Quân Nổi Dậy chiến đấu để ngăn chặn âm mưu của chúng.

Tuy rằng nội dung phim đơn giản nhưng chắc chắn người xem sẽ không hề cảm thấy bị nhàm chán bởi điểm nhấn của phim không nằm ở nội dung tổng thể mà được xây dựng dần dần bởi những khung cảnh mang đầy chất viễn tưởng phiêu lưu, bởi sự kết hợp một cách hài hòa giữa cái cũ và cái mới, giữa phong cách viễn tưởng cổ điển của thập niên 80, 90 với kĩ xảo hiện đại tân tiến ngày nay để tạo nên một bức tranh sinh động đủ để làm hài lòng cả các fan ruột lẫn những khán giả đại trà lần đầu biết đến Star Wars.


Với các fan hâm mộ kì cựu của phim, những khán giả được coi là khó tính nhất thì họ sẽ cảm thấy rất hài lòng khi mà đạo diễn J.J. Abrams đã biết cách tận dụng một cách tối đa những gì được cho là tinh túy nhất, những điều đã làm nên thương hiệu của Star Wars từ trước đến nay.

Đầu tiên phải kể đến chính là cách sử dụng font chữ trên poster hay đoạn dẫn truyện được giữ nguyên loại font như các phiên bản Star Wars trước đây, kết hợp với nhạc nền truyền thống của cả series giúp tăng trải nghiệm và tạo cảm giác hoài cổ đôi chút cho người xem, gợi nhớ về thời kì hoàng kim trước đây của cả series này.

Hay như sự xuất hiện của nhân vật được chờ đón nhất trong cả phim là Han Solo (do Harrison Ford thủ vai) cũng được lồng ghép vào phim một cách khá tự nhiên và bất ngờ, đủ để các fan hâm mộ phải vỗ tay không ngớt khi gặp lại "cố nhân" cho dù tình tiết này đã được báo trước trong trailer của phim. Tất cả những điều này tưởng chừng như đơn giản nhưng lại giúp tạo cho người xem những cảm xúc bồi hồi khó tả như đang được sống lại những ngày tháng huy hoàng khi mà cả thế giới đều "ăn ngủ cùng Star Wars".

Thành công của phim còn có sự góp phần không nhỏ của dàn diễn viên xuất sắc từ nam diễn viên kì cựu Harrison Ford trong vai huyền thoại Han Solo cho tới cả những "ma mới" như John Boyega trong vai anh chàng lính Stormtrooper - Finn.


Trái với dự đoán của nhiều người rằng Harrison Ford cùng vai diễn Han Solo sẽ chỉ được xuất hiện thoáng chốc trong vai trò diễn viên khách mời (cameo) thì ông lại có thời lượng xuất hiện trên phim khá dài, gần bằng với các nhân vật chính của chúng ta. Những tình tiết xuất hiện của Han Solo cũng được lồng ghép khá khéo léo để giúp phim liên kết được với các phần trước nhưng cũng không hề bị gượng ép, khô khan. Diễn xuất và sự nhập vai của Harrison Ford thì... không còn gì để chê nữa rồi và ai xem các phần trước của Star Wars chắc cũng hiểu ông hợp với vai diễn này như thế nào.


Về phần nam diễn viên da màu John Boyega thì dù không có được vẻ ngoài bắt mắt, không điển trai, không mang vẻ tinh ranh hay hóm hỉnh nhưng anh cũng đã diễn khá tốt vai Stormtrooper Finn và mang lại trải nghiệm khá thú vị cho người xem về nhân vật này.


Bên cạnh đó thì nữ diễn viên chính Daisy Ridley với vai Rey thực sự đã đạt được thành công rất lớn với bộ phim này khi cô thể hiện được hình ảnh một cô gái kiên cường, rắn rỏi nhưng cũng biểu lộ được rất nhiều cảm xúc thông qua đôi mắt biết nói của mình.


Nhược điểm duy nhất trong dàn diễn viên có lẽ chính là Adam Driver với vai diễn nhân vật phản diện chính Kylo Ren. Dù đã rất cố gắng nhưng lối diễn của anh cũng không giúp khỏa lấp được lỗ hổng khá lớn về kịch bản. Người xem chắc chắn sẽ cảm thấy rất ấn tượng khi thấy Kylo Ren xuất hiện đầy uy lực ở đầu phim nhưng càng về cuối thì anh lại ngày càng tỏ ra... yếu đi một cách kì lạ và điều này ảnh hưởng không nhỏ tới sự logic của phim. Đấy là còn chưa kể đến diễn biến tâm lý thất thường lúc nắng lúc mưa không khác gì các em gái tuổi teen và chẳn hề phù hợp chút nào với một người đứng đầu đội quân hàng triệu Stormtrooper.


Nhắc đến đơn vị quân huyền thoại Stormtrooper thì chúng ta cũng phải dành lời khen cho đoàn làm phim bởi Stormtrooper trong Star Wars: The Force Awaken tuy vẫn... vô dụng, vẫn sinh ra để làm bia tập bắn, làm hình nộm tập chém cho các nhân vật chính nhưng họ vẫn có vẻ gì đó mạnh mẽ và ra dáng chiến binh hơn các phiên bản Star Wars trước đây. Sẽ không còn có những cảnh đội quân Stormtrooper xả đạn laze như mưa trên chiến trường mà... chẳng giết được nổi lấy một ai nữa. Các fan hâm mộ của Star Wars chắc hẳn đang rất vui mừng bởi dù sao thì đội quân huyền thoại Stormtrooper cũng đã bớt "phế" đi đôi chút rồi phải không nào.

Ngoài sự thành công của đa số diễn viên trong phim thì một điểm nhấn khác tạo nên sự khác biệt của Star Wars: The Force Awaken đó là cách tạo hình bối cảnh khá chi tiết, phù hợp với một bom tấn viễn tưởng hiện đại chứ hề lạc hậu như những gì các fan từng lo lắng.


Người xem chắc chắn sẽ phải choáng ngợp trước những khung cảnh vũ trụ mênh mông, những con tàu chiến không gian hùng vĩ hay các màn rượt đuổi đầy kịch tính trên chiến trường giữa các chiến đấu cơ loại nhỏ cũng dễ dàng gây ấn tượng cho người xem nhờ mức độ chi tiết và chân thực đáng kinh ngạc của mình.


Việc sử dụng phục trang, hóa trang cho các nhân vật người ngoài hành tinh thay vì phụ thuộc quá nhiều vào kĩ xảo CGI cũng giúp cho tạo hình các nhân vật ngoài hành tinh trở nên chân thực và mang chút gì đó classic hơn so với các tựa phim cùng thể loại hiện nay.

Nhìn chung thì Star Wars: The Force Awaken thực sự đã không phụ lại sự kì vọng của các fan hâm mộ trên thế giới với sự hài hòa cả về nội dung, về hình ảnh lẫn những cảm xúc mà nó mang lại cho người xem. Kỹ xảo của phim tuy không quá phô trương nhưng cũng đủ để làm nên chất phiêu lưu viễn tưởng hiện đại cần có và đây chắc chắn sẽ là tiền đề tốt để hai phần tiếp theo của phim được tiếp tục ra mắt trong các năm tới như những gì mà nhà sản xuất đã khẳng định trước đây.

Theo Gamek

------------------------------

Review “Star Wars”: Sự thức tỉnh hoàn hảo của Thần lực

Sau 30 năm từ ngày bắt đầu “Cuộc chiến giữa các vì sao” đầu tiên, đến nay siêu phẩm viễn tưởng huyền thoại này vẫn đủ sức tạo nên lịch sử mới cho loạt phim ăn khách này.

Ngay khi vừa mới ra mắt, “Star Wars: The Force Awakens” (tựa Việt: Thần lực thức tỉnh) đã nhanh chóng nhận được từ giới phê bình nhiều đánh giá tích cực cùng xếp hạng 5 sao trên nhiều trang phim hàng đầu. Sự quay trở lại ấn tượng này thật sự vô cùng hợp lý khi có thể xem đây là tập phim trọn vẹn nhất trong suốt 30 năm qua mà hoàn toàn không tìm thấy khuyết điểm nào lớn.

Bộ phim bắt đầu từ sự kiện Luke Skywalker biến mất sau thất bại của cuộc nội chiến và sự chiếm ngôi của Empire. Ngay sau đó là cuộc chiến bảo vệ tấm bản đồ thiên hà khi Poe đưa nó cho BB-8 giữ. Bộ phim là hành trình tìm kiếm con đường đến chỗ Luke cùng việc khám phá ra bí ẩn của Thần lực ẩn chứa trong một nhân vật đặc biệt.

Với nhiều khán giả chưa từng coi đủ những tập phim trước đó hay không phải là người hâm mộ trung thành của Geogre Lucas thì cũng nên thử một lần cảm nhận điều đặc biệt mà phim mang lại. Không chỉ là phần nối tiếp, “The Force Awakens” còn diễn tả trọn vẹn một câu chuyện với sự phân chia hợp lý cho từng tuyến nhân vật cũng như sự kết hợp hài hòa giữa nguồn gốc cũ và nhiều nét mới.

Bộ phim tạo nên cho người xem một cảm nhận đậm nét “Star Wars” của cách đây chục thập kỷ trước với màu sắc bối cảnh cùng những giai điệu của John Williams. Ngay từ phần giới thiệu của phim, khán giả đã cảm nhận được sự tôn trọng bản gốc mà đạo diễn J.J. Abrams đã cố tình tạo nên với hiệu ứng CGI. Những chiếc phi thuyền trong phim được giữ theo đúng chất hoài niệm cũng như nhiều thiết kế sẽ khiến các fan hâm mộ phải vô cùng phấn khích.


Tuy nhiên, với việc áp dụng kỹ xảo hiện đại bậc nhất, các khung hình choáng ngợp trên màn ảnh mỗi lần đi qua đều khiến khán giả phải cảm thấy tiếc nuối. Đặc biệt, “Thần lực thức tỉnh” là chuyến phiêu lưu vĩ đại khi đưa người xem từ hành tinh đầy sa mạc, cát nóng sang vùng đất với những cánh rừng đầy huyền bí.

Điều cuốn hút nhất mà người xem tìm thấy ở bộ phim không chỉ là sự đầu tư dàn dựng của kỹ xảo mà chính là cốt truyện khá bất ngờ cùng cách giải quyết trọn vẹn dù có chút hụt hẫng và tiếc nuối với sự ra đi của nhân vật chính.

Thần lực quy tụ với những ánh hào quang

“Star Wars 7” lần này là câu chuyện xoay quanh mối quan hệ giữa huyền thoại Han Solo (do Harrison Ford đóng) với đứa con trai tàn ác Ben cũng như sự xuất hiện của nữ anh hùng ẩn chứa Thần lực là Rey (do Daisy Ridley đóng). Toàn bộ câu chuyện là sự nối tiếp cho cuộc đấu tranh giành lấy bản đồ hệ ngân hà. Đó cũng chính là sự đấu tranh giữa cái thiện và các ác, giữa ánh sáng và bóng tối, giữa binh đoàn của Nute với các vệ binh của nhóm Kháng chiến nổi bật gồm Han Solo, Rey , Finn (John Boyega) và Poe Dameron (Oscar Isaac).

Thành công tiếp theo của “Star Wars” là việc xây dựng hình tượng của nhân vật mới mà đặc biệt là Rey – một cô gái nhặt ve chai ở hành tinh Jakku. Cuộc gặp gỡ với Rey là sự tình cờ nhưng cũng là sự sắp đặt thiên định. Cùng với năng lực phi thường thiên bẩm mà cô được trao, mọi thứ đến rất tự nhiên, hoàn toàn không gượng ép nhưng đem lại nhiều bất ngờ.


Quy tụ một dàn diễn viên nổi bật và khơi gợi cho khán giả nhiều dấu ấn cũ, “Star Wars” thành công từ câu chuyện gắn mác phim viễn tưởng kinh điển nhất mọi thời đại đến diễn xuất hoàn hảo của những diễn viên trẻ tài năng. Ngoài ra, đạo diễn J.J.Abrams với nhiều thành công trước đó chính là sự thay thế tuyệt vời mà Geogre Lucas xứng đáng có được.

Thần lực liệu có tạo nên đột phá lớn?

Tuy được J.J. Abrams xây dựng trau chuốt hoàn hảo nhưng cũng không tránh làm buồn lòng nếu bạn đặt quá nhiều hy vọng vào phim. Sự xây dựng theo mô típ của các bộ phim khác là điều dễ nhận thấy với cốt truyện khi xem. Nhưng đó cũng là cả một sự sáng tạo và nỗ lực của nhà sản xuất để tạo nên một nội dung hợp lý so với tổng quan chung và phong cách của nguyên bản.

Tạo một chấn động lớn ngày từ trước ngày công chiếu, việc quay trở lại của “Star Wars” lần này là cả một sự trông đợi tạo nên một lịch sử mới cho phòng vé cuối năm. Điều đó cũng đáng để hy vọng khi phim được IMDb đánh giá với số điểm cao ngất ngưởng 8.9, truyền thông tiếp tục tốn nhiều bút mực cho phim và khán giả đang hàng giờ xếp thành từng hàng dài để có một tấm vé du hành vũ trụ cùng “The Force Awakens”.


Bảo Lê (TT & VH)

------------------------------

Giải mã cơn sốt ‘Star Wars 7’ trên toàn cầu


Siêu bom tấn “Star Wars: The Force Awakens” thết đãi người hâm mộ thương hiệu “Chiến tranh giữa các vì sao” những điều tuyệt vời mà họ đã phải chờ đợi suốt một thập kỷ qua.

Mười năm kể từ sau Star Wars - Episode III: Revenge of the Sith (2005), Thần lực (The Force) thực sự “thức tỉnh” khi phần tiếp theo mang tên The Force Awakens ra mắt, đánh dấu sự hồi sinh của loạt phim khoa học viễn tưởng nổi tiếng nhất mọi thời đại.

Tác phẩm là sự kết hợp tinh tế những điểm mạnh của sáu tập phim trước: lối dẫn dắt câu chuyện phức tạp nhưng đầy lôi cuốn của ba tập phim gốc IV-V-VI, cùng tiết tấu hành động nhanh, mạnh mẽ của các phần tiền truyện I-II-III.

Star Wars: The Force Awakens lấy bối cảnh 30 năm sau khi hiệp sĩ Jedi huyền thoại Luke Skywalker (Mark Hamill) chiến thắng Chúa tể Bóng tối Darth Vader và Hoàng đế Palpatine, lật đổ Đế chế Thiên hà tàn độc. Bẵng đi một thời gian, Luke đột nhiên mất tích. Phe Kháng chiến của Công chúa Leia (Carrie Fisher) và Han Solo (Harrison Ford) nay phải đối đầu với binh đoàn tà ác mới mang tên The First Order, vốn là tàn dư của phe Đế chế ngày trước.

Tuy nhiên, nhân vật chính của The Force Awakens là ba người hùng trẻ tuổi: Finn (John Boyega) - tay lính Stormtrooper phản bội đồng bọn để theo đuổi chính nghĩa, Rey (Daisy Ridley) - cô gái trẻ chuyên mót đồ trên hành tinh Jakku, mang thân phận đầy bí ẩn, và Poe Dameron (Oscar Isaac) - tay phi công cự phách nhất của phe Kháng chiến. Họ cùng nhau ngăn chặn mưu đồ thống trị thiên hà của The First Order, đồng thời chiến đấu lại tên hiệp sĩ bóng tối Kylo Ren (Adam Driver).

Trong một cuộc phỏng vấn trước giờ phim ra rạp, ngôi sao Mark Hamill nói rằng: “Phần VII sẽ mang đến câu chuyện mới mẻ, nhưng đồng thời cũng là câu chuyện mà chúng ta đều đã biết”. Đó là sự thật. Nếu khán giả tinh ý, mạch truyện của phần VII chịu ảnh hưởng từ chính kịch bản của các phần IV-V-VI hồi thập niên 1970-1980, với nhiều tình tiết, phân cảnh tương đồng.

Tuy nhiên, đó không hẳn là sự sao chép, mà là ý đồ tôn vinh tác giả George Lucas năm xưa của đạo diễn J.J. Abrams. Những chi tiết kinh điển không thể thiếu trong loạt phim như hàng chữ vàng tóm tắt chạy thẳng đứng từ dưới lên, câu “A long time ago, in a far far away galaxy…” (tạm dịch: Xưa rất xưa, tại một dải ngân hà xa rất xa....) ở đầu phim, lời chúc “Cầu cho Thần lực luôn ở bên người”... theo đó đều có mặt.

Trên cái nền xưa cũ ấy, tác giả hai tập phim Star Trek gần đây tự do tô điểm hàng loạt chất liệu hiện đại, tươi mới. Những cuộc rượt đuổi giữa các phi thuyền không gian nay được hỗ trợ bởi công nghệ kỹ xảo tân tiến, khiến từng khung hình trở nên sắc nét, sinh động và dồn dập hơn. Binh chủng Stormtrooper ở các phần cũ thường bị chỉ trích bởi dáng vẻ vụng về, cùng “biệt tài” chuyên bắn hụt nhân vật chính, nay đã hung hãn, tinh nhuệ và mãnh liệt hơn thấy rõ, qua đó trở thành tuyến đối trọng gây áp lực thực sự cho kép chính.


Song, những ai mong chờ các trường đoạn đọ gươm ánh sáng có thể cảm thấy nuối tiếc đôi chút khi chúng chỉ xuất hiện ở cuối phim, và khiến người xem đặt ra nhiều câu hỏi về nguồn gốc nhân vật sau khi phim khép lại.

Tuy có hoàn cảnh và gốc gác khác biệt, nhưng Finn, Rey, Poe và cả Kylo Ren đều diễn lại vai trò của nhóm nhân vật chính trong ba phần IV-V-VI. Dĩ nhiên, J.J. Abrams phải đem tới sự cách tân để tránh cho tác phẩm của mình bị nhàm chán. Cụ thể, ông đẩy nữ nhi Rey thành nhân vật chủ chốt, còn hai chàng trai mới chỉ dừng ở vai trò hậu thuẫn.

Ngược lại, tuyến phản diện có thể bị coi là điểm yếu của bộ phim, khi các ác nhân tỏ ra khá một màu. Kylo Ren được xem là kẻ kế thừa Darth Vader, nhưng ở gã còn thiếu sự quả quyết, khôn ngoan và sắc sảo của người mà hắn tôn thờ. Đại úy Phasma (Gwendoline Christie) và Đại tướng Hux (Domhnall Gleeson) từng được đội ngũ nhà sản xuất quảng cáo rất nhiều, nhưng ở phần VII, họ còn quá mờ nhạt do có ít đất diễn.

Nhắc đến Star Wars: The Force Awakens, tất nhiên không thể bỏ qua dàn diễn viên cũ, khi họ khiến các fan cảm thấy bồi hồi mỗi lần xuất hiện. Mốc 30 năm giữa phần VI và phần VII cũng xấp xỉ bằng khoảng thời gian ngoài đời thực mà những Carrie Fisher, Harrison Ford hay Mark Hamill phải chờ đợi để lại có cơ hội được diễn chung. Họ không đơn thuần là diễn viên khách mời (cameo), mà giống như lớp “tiền bối” chỉ đường dẫn lối cho lớp “hậu bối” Daisy Ridley, John Boyega và Oscar Isaac.

Bom tấn có kết thúc mở, trả lời những câu hỏi lớn trong phim bằng nhiều câu hỏi lớn hơn. Nhưng tác phẩm đã không phụ lòng mong đợi của các tín đồ Chiến tranh giữa các vì sao, đồng thời thu hút thêm lượng người hâm mộ mới, trẻ trung và đầy hiện đại. Thần lực đã thực sự thức tỉnh, khi bộ phim có thể sẽ thu tới hơn nửa tỷ USD toàn cầu chỉ sau ba ngày đầu tiên trình chiếu.
Theo zing.vn

---------------------------------

Những phát minh khoa học viễn tưởng trở thành hiện thực

Những phát minh trong loạt phim Star Wars về đề tài khoa học viễn tưởng như gươm ánh sáng, du hành xuyên vũ trụ, người máy thông minh đã trở thành hiện thực nhờ các thành tựu khoa học.


 
Hành tinh ngoài hệ Mặt Trời (Exoplanet)

Bối cảnh của Star Wars là một vũ trụ mở với vô vàn thiên hà và các hành tinh cùng tồn tại. Tuy nhiên khi phần đầu tiên của phim trình chiếu năm 1977, chưa ai biết đến sự tồn tại của một hành tinh nào khác ngoài những hành tinh xoay quanh Mặt Trời. Năm 1995 các nhà khoa học mới chính thức tìm ra hành tinh đầu tiên nằm bên ngoài hệ Mặt Trời của chúng ta. Hiện tại, hơn 2.000 hành tinh ngoài hệ Mặt Trời đã được phát hiện. Ảnh: NASA/JPL-Caltech.
 
 Siêu không gian (Hyperspace)

Trong Star Wars, các phi thuyền di chuyển giữa các hệ sao cách nhau nhiều năm ánh sáng chỉ trong tích tắc bằng cách đi vào siêu không gian, một lối tắt giữa những điểm rất xa trong vũ trụ. Thực tế, việc du hành xuyên qua siêu không gian là hoàn toàn có cơ sở khoa học, theo Eric Davis, một chuyên gia về lĩnh vực này tại Viện nghiên cứu cao cấp ở Austin, Mỹ.
Dựa vào lý thuyết về không - thời gian có thể bẻ cong của Einstein, hai điểm rất xa nhau trong vũ trụ có thể được kéo lại gần nhau thông qua một lối tắt gọi là lỗ sâu (wormhole). Để tạo ra lỗ sâu này cần sử dụng năng lượng âm. Các nhà khoa học cũng chứng minh thành công sự tồn tại của năng lượng âm thông qua hiệu ứng Casimir, hiệu ứng hai tấm gương đặt trong chân không tự di chuyển về phía nhau. Ảnh: LucasFilms.

 
Phi thuyền (Speeder)

Một phát minh khác trong Star Wars sắp thành hiện thực là phi thuyền cá nhân. Hiện tại, nhiều công ty đang nỗ lực chế tạo và đưa vào sử dụng loại phương tiện mới có tên hoverbike giống hệt những phi thuyền trong phim. Công ty Aerofex có trụ sở tại California, Mỹ, đang phát triển Aero-X, một phương tiện được mô tả là chiếc ván lướt có khả năng điều khiển tương tự xe máy. Aero-X di chuyển ở độ cao khoảng ba mét và đạt vận tốc 72 km/h. Trong khi đó, chiếc hoverbike của Malloy Aeronautic, một công ty của Anh dự kiến có thể di chuyển với vận tốc 274 km/h và ở độ cao như máy bay trực thăng. Ảnh: Aerofex.
 
Người máy thông minh (Droid)

Người máy thông minh là một phần không thể thiếu trong phim Star Wars cũng như điện ảnh khoa học viễn tưởng. Chúng thường đóng vai trò như phụ tá, phi công, kỹ sư và cả binh lính. Ngày nay, nhiều ứng dụng của người máy thông minh trong đời sống như máy bay không người lái, xe tự hành hay trợ lý robot trong phẫu thuật trở nên ngày càng phổ biến. Ảnh: Disney/LucasFilms.
 
 
Gươm ánh sáng (Lightsaber)

Thanh gươm ánh sáng là một biểu tượng của Star Wars, đồng thời cũng là phát minh khó trở thành hiện thực nhất. Từ lâu, các nhà khoa học biết rằng hạt photon cấu tạo nên ánh sáng không có khối lượng, cũng không tương tác với bất kỳ vật chất nào khác. Vì vậy, những màn đấu gươm trong phim dường như là bất khả thi ngoài đời thực.

Năm 2013, một nhóm nghiên cứu của Đại học Havard và Học viện Công nghệ Massachusetts (MIT), Mỹ, đã chứng minh được khi các hạt photon đi xuyên qua đám mây nguyên tử siêu lạnh, chúng tương tác với nhau tạo thành những phân tử. "Trong một chừng mực, có thể so sánh chúng với thanh gươm ánh sáng", Mikhail Lukin, giáo sư vật lý của Đại học Havard, nhận xét.
 
 
Chùm tia hút (Tractor beam)

Một ứng dụng khác của ánh sáng rất thú vị trong phim là chùm tia hút dùng để bẫy, bắt giữ hay di chuyển các vật thể. Từ năm 2010, các nhà khoa học bắt đầu tạo ra chùm tia laser có khả năng hút hoặc đẩy các hạt nhỏ. Năm 2014, một kỷ lục được các chuyên gia tại Đại học Quốc gia Australia xác lập khi sử dụng một chùm tia laser để nâng một quả cầu thủy tinh lên cao đến 20 cm.
Trong khi đó, một nhóm nghiên cứu tại đại học Bristol, Anh, lại sử dụng sóng âm thanh để di chuyển đồ vật. Bằng cách tính toán độ dao động của sóng âm, cả nhóm tạo ra một vùng áp thấp phản trọng lực để nâng các quả bóng nhựa lơ lửng giữa không trung. Quả bóng có thể được đẩy, kéo hoặc quay vòng chỉ cần thông qua điều chỉnh sóng âm. Ảnh: Stuart Hay.
 

Quốc Bảo

No comments:

Post a Comment